0

Cao nguyên đá sừng sững hiên ngang giữa đất trời, sông Nho Quế xanh màu ngọc bích, hoa tam giác mạch bí ẩn nhưng đầy quyến rũ, hoa mơ hoa mận nở trắng trời. Thời điểm nào Hà Giang cũng đẹp, cũng quyến rũ.
Tôi không định viết quá sớm về một ký ức Hà Giang. Hiện tại sau chuyến đi tôi chưa có cảm  xúc gì cả, hay phải chăng như câu:” Không ai nhận ra rằng đi đẹp đến nhường nào cho đến khi họ về đến nhà và ngả đầu lên chiếc gối cũ kỹ, thân quen.” – Lin Yutang. 
Có lẽ vậy, sau 1 khoảng thời gian nữa, khi đôi chân lại muốn lên đường, khi lại thèm vác balo, thèm đổ đèo, hay thèm chìm đắm trong cảnh núi non hùng vĩ, bao cảm xúc lại ào ào trỗi dậy, lúc đấy mới thích hợp để viết hồi ức. Ghi chép này tôi dành cho chính cảm xúc của tôi. Nó có thể giống hoặc có thể khác với nhiều người - người chưa đi bao giờ, người đã từng tới Hà Giang (HG) rất nhiều hay chỉ đến mới có một lần như tôi. Tôi viết cho cảm xúc Hà Giang - lần đầu tiên.



Nghe Hà Giang, biết đến cung đường đẹp mê hồn từ rất lâu rồi. Từ hồi chưa biết đi du lịch bụi là gì, đến khi biết rồi nhưng chưa có xế, hay khi có xế nhưng lại bị lỡ cung. Lần này, với quyết tâm cao độ, 5 ngày trọn vẹn dành cả cho HG.

HG mùa nào cũng đẹp, ai đã đến HG một lần, hẳn sẽ mê mẩn với cảnh núi non hùng vĩ nơi đây. Cao nguyên đá sừng sững hiên ngang giữa đất trời, sông Nho Quế xanh màu ngọc bích, hoa tam giác mạch bí ẩn nhưng đầy quyến rũ, hoa mơ hoa mận nở trắng trời, thời điểm nào Hà Giang cũng đẹp, cũng quyến rũ. HG được biết đến ngày càng nhiều, không chỉ dân du lịch bụi mà cả những vị khách khó tính nhất cũng muốn đến nơi đây.

Thời điểm này (dịp nghỉ lễ 30.4 - 1/5), đến với Hà Giang cũng "hot" ngang bằng các tụ điểm du lịch trong cả nước. Đông đúc không kém gì các bãi biển hay tụ điểm vui chơi, giá cả cũng leo thang, chặt chém không khác gì những bài báo từng nêu tại các địa điểm du lịch nổi tiếng khác.

Công tác hậu cần cho chuyến đi khá gấp rút. Do cận kề ngày lên đường mới đặt các dịch vụ nên chúng tôi không đặt trước được phòng tại Đồng Văn. Cung đường ngược được mọi người thống nhất đưa ra.  Ngược ở đây là đường đi, thay vì đến với Hà Giang trước, chúng tôi chọn Ba Bể cho ngày dừng chân đầu tiên, và cảm nhận Hà Giang từ chiều ngược lại Ba Bể - Mèo Vạc – Đồng Văn – Lũng Cú – Hà Giang sẽ cho một cái nhìn khác về cao nguyên đá Hà Giang.

Ngày đầu tiên, chúng tôi đến với hồ Ba Bể, Bắc Kạn - là 1 trong 100 hồ nước ngọt tự nhiên lớn nhất thế giới. Đây là một địa danh du lịch nổi tiếng ở vùng Đông Bắc. Ba Bể mùa này khí hậu mát mẻ nhưng vẫn đầy nắng, nước hồ trong xanh không chút vẩn đục, cây cối trải qua một mùa xuân tươi tốt đang căng mình đón nắng hè rực rỡ, từng đàn bướm trắng dập dờn trong gió hay tụ tập bên bến thuyền hồ Ba Bể làm ngây ngất lòng người. Đó là một cảnh tượng đẹp đẽ đến nỗi dường như chỉ tồn tại trong những giấc mơ, trong những cảnh phim “Mộng uyên đương hồ điệp”. Từng đàn bướm trắng bay lượn ngợp trời, phút chốc đậu xuống rồi bay lên khi có người ùa tới. Hai bên đường đi vào vườn quốc gia Ba Bể, từng đôi lứa bướm bay dập dìu trong nắng tạo nên nên cảnh tượng hết sức thơ mộng.



Rời khỏi Ba Bể khi chiều đã tà, chúng tôi có đôi chút vất vả cho công cuộc tìm nhà nghỉ và chỗ ăn do dịp nghỉ dài nên đâu đâu cũng đã đầy ắp khách du lịch. Các nhà sàn ở bản Bó Lù hay Pắc Ngòi ngày thường nép mình bên hồ nay rôm rả khách ra vào tấp nập. Cuối cùng cả đoàn gồm 12 con người cũng đã có chỗ nghỉ ngơi hợp lý và an toàn tại thị trấn Chợ Rã cách trung tâm Vườn Quốc gia Ba Bể 15km, kết thúc ngày đầu tiên trong chuyến hành trình đến với Hà Giang còn nhiều điều hấp dẫn phía trước.



Ngày thứ 2, con đường từ Ba Bể Sang  Bắc Mê  được leader hỏi han rất kĩ lưỡng với nhiều thông tin trái chiều khác nhau. Với thông tin đưa ra là xe máy hoàn toàn đi được, cả đoàn quyết định sẽ đi theo con đường 297 huyền thoại một thời nối liền Đông Bắc sang Tây Bắc để từ đó đi sang Bắc Mê. 15km đầu tiên mọi thứ diễn ra suôn sẻ khi cả đoàn vẫn len lỏi trong khu vực vườn quốc gia Ba Bể, 2km tiếp theo, phía trước là con đường rải đá hộc to ú ụ. Hỏi vội một anh công nhân làm đường: "1km nữa thôi".



Tôi thở phào nhẹ nhõm, hết 1km, hết 1km nữa, đường đá càng ngày càng nhiều, hết đường đá lại tới đường đất, hết đường đất lại tới đường lầy lội. Từ xa xa, đã thấy máy ủi, máy xúc kéo dài theo mấy triền núi. Tôi nhìn xế ngao ngán: "Ôi trời, 10km chứ ko phải 1km".

Chúng tôi cứ thế đi theo từng con núi này vắt sang con núi khác. Có lẽ đó là con đường ấn tượng nhất đối với tôi sau đoạn đường từ Trà Lĩnh sang Trùng Khánh trong chuyến đi Bản Giốc hồi năm ngoái. Nếu đọan đường kia chỉ có sóc và vẫn còn ngồi được trên xe, thì đoạn đường này đúng là ác mộng, có những chỗ chúng tôi dắt bộ và offroad qua suối. Đá to bằng bắp chân, đường lầy bùn đất và vẫn phải phóng xe lên núi như điên.



Cả quãng đường 30km mà cả đoàn hì hụi mất hẳn 1 buổi sáng. Khôi hài ở chỗ, cứ khi nào nghỉ dừng đợi các xe thì trời đổ mưa, mặc xong áo mưa, trùm đồ che kín balo ,lên xe đi thì trời hết mưa, hửng nắng, ông trời như thử thách các tay lái, mới có, cũ có, nhưng đều căng cứng trên cả chặng đường xấu tệ. Các chú, các bác công nhân, thi công đường nhìn chúng tôi bằng ánh mắt kì quặc: "Một lũ dở đâm xe vào đây làm gì ko biết?".

12h trưa, thoát khỏi con đường “kinh hoàng”, các xế hồ hởi, phấn khởi với đường nhựa phẳng lì và uốn lượn theo triền núi dẫn chúng tôi từ xã Đà Vị - Na Hang sang Bắc Mê – Hà Giang.



Đã thấm mệt, không thể đi tiếp và ăn trưa như dự tính, chúng tôi dừng chân tại chợ xã Yên Hoa, và nghỉ ngơi ăn trưa khi đã sang giờ chiều. Trời thương cả đoàn vất vả nên bữa trưa trưa cực kì ngon lành mà vẫn rất rẻ. Ai cũng như được tiếp thêm sinh khí sau vài phút tranh thủ chợp mắt, các tay lái lại sẵn sàng đường dài phía trước đưa chúng tôi về với Bắc Mê để qua Bảo Lâm hướng thẳng đến Mèo Vạc.

Buổi chiều vượt từ Bắc Mê - Cao bằng sang Hà Giang để tới Mèo Vạc. Chúng tôi lại tiếp tục cuộc hành trình khi ông trời khuất sau ngọn núi, màn đêm đã xuống, chỉ còn ánh đèn chập choạng của những con đom đóm đêm, ánh đèn vàng của phản quang và đèn pha. Mèo Vạc đón chúng tôi khi cả thị trấn đã lên đèn, lấp lánh và tráng lệ lọt thỏm giữa bốn bề là cao nguyên đá hùng vĩ.



Ngày thứ 3, chợ tình Khau Vai là địa điểm chúng tôi tiếp tục hướng tới, dù còn 1 tuần nữa mới là phiên chợ chính, nhưng đây là dịp không thể bỏ qua khi đến với Cao nguyên đá Đồng Văn. Con dốc đầu tiên trên đường vào Khau Vai cho chúng tôi thấy toàn thị trấn Mèo Vạc từ trên cao thật hùng vĩ. Trên đường  đi thi thoảng hai bên đường là những cánh đồng trồng tam giác mạch còn sót lại khi chưa kịp thu hoạch cho một mùa ngô. Ai cũng sung sướng và vui thích và bất ngờ khi thời điểm này lên HG vẫn còn được ngắm nhìn những cánh đồng tam giác mạch. Tuy không bạt ngàn và đẹp như thời điểm vụ mùa chính - tháng 10, nhưng từng ấy cũng đủ để chúng tôi thỏa mãn với những người lần đầu tiên được chìm đắm trong ruộng hoa tam giác mạch huyền thoại của vùng cao nguyên đá, những bức hình đẹp đã lưu lại dấu ấn - một mùa hoa tam giác mạch, vẫn đợi chúng tôi.



Quay trở lại thị trấn Mèo Vạc, đồ ăn cho buổi trưa tại Sơn Vĩ đã xong, chũng tôi tiếp tục ôm cua, đổ đèo với con đường đẹp như mơ uốn lượn trên triền núi như một dải khăn lụa dài bất tận, một bên là núi cao sừng sững, một bên là vực sâu hun hút, xa xa những mái nhà của người dân tộc lưng chừng đèo khến tôi trầm trồ thán phục với ý trí, lòng quyết tâm và khả năng của con người. Ngồi sau xế, tôi mặc sức phóng tầm mắt ra xa, vừa luyện mắt, vừa ngắm nhìn khung cảnh hùng vĩ có 1 - 0 - 2. Thế mới biết HG có sức mê hoặc lòng người đến thế nào. Tôi khâm phục những nguời thi công, thiết kế những con đường như này, để cho chúng tôi có cơ hội được ngắm nhìn đất nước bao la hùng vĩ, đẹp biết nhường nào.



Buổi chiều, rời khỏi Sơn Vĩ, tiếp tục quay trở về Đồng Văn và chinh phục đèo Mã Pí Lèng. Thật ko hổ danh “Tứ đại đỉnh đèo” của Việt Nam với con đường uốn lượn lưng trừng núi, lưng chừng trời, càng thán phục hơn nữa khi nghe về quá trình xây dựng nên con đường huyền thoại này. Vẻ đẹp của Mã Pí Lèng thu hút mọi du khách dừng chân ngắm nhìn nơi này. Phía dưới là con sông Nho Quế hiền hòa xanh biếc một màu ngọc bích uốn lượn chảy quanh. Bên  trên là những ngọn núi hiên ngang lững lờ tầng mây. Công sức của biết bao nguời công nhân, dân tộc, ngày đêm treo mình trên vách núi làm ra con đường huyền thoại nối liền hai dải Đồng Văn - Mèo Vạc. Biết bao xương máu đổ ra nơi này, biết bao giọt nước mắt và mồ hôi - con đường mang tên Hạnh phúc dành cho thế hệ sau này do cả thế hệ đi trước làm nên.

Thị trấn Đồng Văn sầm uất và mang nét hơi hướng cổ kính. Ngôi nhà cà phê Phố Cổ đông Văn là địa chỉ quen thuộc níu giữ các lữ khách. Những chiếc mũ nồi bê rê dành cho cánh đàn ông ,những mảng khăn vuông vắn sặc sỡ màu sắc dành cho các cô gái, bỗng nhiên hóa thành nét rất riêng của trời đất nơi đây hòa quện với màu đen của đá. Đồng Văn chìm trong sương tối và cái lạnh vùng cao đưa chúng tôi vào giấc ngủ dễ chịu.



Ngày thứ 4, chúng tôi lên đỉnh Cột Cờ Lũng Cú - nơi cắm cột mốc quốc gia ghi nhận điểm cực Bắc của đất nước Việt Nam, biên giới chủ quyền Việt Nam - Trung Quốc. Điểm đến tiếp theo trong cuộc hành trình chúng tôi đến với di tích Nhà họ Vương. Ban đầu cảm nhận của riêng tôi khi nghe tên địa danh không gợi nên điều gì thú vị, cứ nghĩ đơn giản chỉ là của riêng một nhà, một dòng họ. Đi rồi mới biết ko chỉ là thú vị mà còn rất đặc sắc. Thú vị về nội dung khi được biết hơn trăm năm trước đã có một huyền thoại tại nơi xa xôi hẻo lánh này, đặc sắc khi được chiêm ngưỡng tận mắt lối kiến thúc cổ độc đáo của ngôi nhà uy nguy tráng lệ giữa một cao nguyên đá hùng vĩ. Công người, công ngựa bao nhiêu để đủ cho một ngôi biệt thự hoành tráng tới cỡ này.

Nhà họ Vương không chỉ là một ngôi nhà, mà đằng sau đó còn cả một câu chuyện dài và ấn tượng. Ngôi nhà của vua Mèo - Vương Chính Đức (sau này Vương Chí Sình là người kế nghiệp). Ông cai quản cả vùng rộng lớn từ Mèo Vạc- Đồng Văn - Yên Minh - Quản Bạ và trấn giữ vùng biên bải tổ quốc.



Nằm trong thung lũng Sà phìn, xã Sà Phìn, huyện Đồng Văn, ngôi nhà được xây dựng trong khoảng 8 - 9 năm, nằm trên quả đồi có hình mai rùa, và được bao bọc bởi núi đá dưới hàng cây Sa Mộc cổ thụ. Ngôi nhà được thiết kế theo lối kiến trúc đời Thanh ( TQ) có pha chút kiến trúc của Pháp và người H’ Mông, có 64 buồng, diện tích 1120m2, nếu tính ra tỉ giá bây giờ thì chỉ riêng tiền thiết kế nhà thôi đã chiếm xấp xỉ 350 tỷ VND hiện giờ, nghe thôi đã thấy choáng ngợp. Còn rất nhiều thông tin thú vị khác, mà có lẽ khi được tận tai nghe chính con cháu nhà họ Vương – kiêm huớng dẫn viên nói, thì sẽ thấy khâm phục và ngưỡng mộ.



Trên đường về Hà Giang, chúng tôi không quên ghé qua ngôi nhà cổ là bối cảnh diễn của bộ phim nổi tiếng: Chuyện của Pao. Ngôi nhà có kiến trúc đặc trưng của người Mông và to lớn nhất trong vùng mà giờ đây đã trở thành một trong những địa điểm thu hút khách du lịch. Dường như tách biệt với cuộc sống ồn ào ngoài kia, từng hoạt động vẫn diễn ra lặng lẽ và chậm rãi trong ngôi nhà cổ này, Hình ảnh những đứa trẻ chơi đùa ,người phụ nữ dệt chiếc váy đen cho mình,  bà cụ ngồi trầm ngâm bên khung cửa…tất cả tạo nên những phút giây chậm lại cho cuộc sống, cho cuộc hành trình của tôi thêm ý nghĩa.

Buổi tối Hà Giang đón chúng tôi bằng cơn mưa ào ào xối xả và bữa tối muộn. Là đêm cuối cùng trước cuộc hành trình dài vào ngày mai trở về thủ đô, trở về với cuộc sống hàng ngày với nỗi lo cơm áo gạo tiền, trong mỗi ngườichắc hẳn sẽ mang hương vị núi rừng vỗ về cho giấc ngủ cuối nơi cao nguyên đá hùng vĩ này.

5 ngày, những hình ảnh đọng lại trong tôi sâu sắc nhất là những đứa trẻ bên đường vẫy tay chào bi bô mấy câu tiếng anh: “hi”, “goodbye”, tóc cháy nắng, da đen nhẻm, chân trần chạy đường đá mà vẫn chẳng hề hấn chi.



Những nụ cười vẫn đọng lại trên môi như chưa từng biết khổ, biết thiếu thốn và biết chơi. Yêu lắm những nụ cười hồn nhiên của trẻ thơ; những đôi vai gặng trĩu củi khô và cỏ non của các mẹ, các chị trên đường. Những ánh mắt e thẹn ấp úng của những cô gái mới lớn, trên đầu là chiếc khăn mỏ quạ sặc sỡ sắc màu, là những nụ cười đôn hậu đã móm mém răng của các bà các cụ khi mời chúng tôi 1 ly rượu ngô đặc sản nơi đây... những người đàn ông khoan đá bên vách núi; những ngôi nhà tạm xiêu vẹo lưng chừng đèo của công nhân làm đường; những ngôi nhà đơn độc trên vách núi giữa bạt ngàn là ngô non,… tất cả những hình ảnh đó sẽ còn theo tôi suốt những cuộc hành trình khám phá đất nước và trong cuộc sống hàng ngày.



5 ngày, đích đến của tôi không còn là Hà Giang - nơi địa đầu, cực bắc của tổ quốc nữa, mà tôi đã biết thêm được nhiều thứ, những thứ đơn giản thôi nhưng với tôi, đó là sự khôn lớn. GIống như câu nói "Đích đến của chúng ta không phải là một vùng đất, mà là một cách nhìn mới. – Henry Miller", tôi đã thêm 1 lần trưởng thành.

Tạm biệt Hà Giang, tạm biệt loài hoa tam giác mạch , tạm biệt những bông hoa bồ công anh bé nhỏ bên đường nhưng có sức sống mãnh liệt. Tạm biệt Lũng Cú, Chợ tình Khau vai với lời hẹn năm nào đó sẽ hẹn một (vài) anh người yêu cũ lên uống rượu tâm sự (hihi), Cột mốc biên giới (mà xế tôi bảo tự hào lắm mới được đứng ở nơi này, đâu phải dễ dàng để tới được đây ngắm nhìn những dấu ấn mang hình hài dân tộc) Cao Nguyên Đá Đồng Văn, Cổng trời, và rất nhiều những cung đường đẹp khác. Hẹn gặp lại nhé, 1 giấc mơ ko xa xôi.

Du lịch, GO! - Theo Mun Panda / Người đưa tin - Giaitri.tinmoi

Đăng nhận xét

Tour Khuyến Mãi

TOUR KHUYẾN MÃI:
 
Top