Nằm trong khu du lịch chùa hương , động Hương Tích được xem là “Nam Thiên đệ nhất động". Nơi đây còn được xem là trọng tâm của khu du lịch quốc gia Hương Sơn thuộc huyện Mỹ Đức, tỉnh Hà Tây và nay thuộc thành phố Hà Nội.
Sách dư địa chí của Phan Huy Chú chép: “.. Núi Hương Tích ở phía Tây núi Tuyết Sơn theo khe suối đi ngược lên, leo nhiều tầng núi mới vào động .Cảnh thiên nhiên như quỷ thần tạc rất lạ và khéo, là động đẹp nhất miền Nam Hải… Tương truyền, Phật Quan Âm Bồ Tát cầm tích trượng sang phương Nam trụ trì ở đây… Mỗi năm, ngày xuân về thiện nam, tín nữ ở muôn phương đến động dâng hương…”.
Đường vào động Hương Tích, Chùa Hương có cảnh tượng vô cùng kỳ vĩ, tươi đẹp
Núi hương tích nằm ở độ cao khoảng 900 mét so với mặt nước biển, đường đi đến động được người dân địa phương mở ra và xếp các bậc đá rất ngăn nắp. Do đường xá được làm cẩn thận nên mặc du đường núi rất quanh co nhưng khách hành hương trẩy hội vẫn có thể đi lại rất dễ dàng.
Với khoảng 2 km đường núi từ Bế Trò lên đến động Hương Tích không phải là quãng đường quá dài những cũng đủ làm khách du lịch thấm mệt. Đường đi đến cửa Phật cũng sẽ không dễ dàng khi không có chân tâm vượt khó. Cửa động bằng đá xanh được ghép dựng lên năm Đinh Mão (1927) tuy không bề thế nhưng cũng gợi lên vẻ thâm nghiêm linh địa của động.
Đi từ cửa động xuống ta phải qua 120 bậc đá được xếp dẫn gọn gàng , hai bên là rừng cây xanh rờn khiến cho ta như lạc vào chốn bồng lai. Theo truyền thuyết thì động Hương Tích là miệng của một con rồng lớn và núi Đun Gạo chính là lưỡi của con rồng lớn đó. Thời xưa, từ trên cửa động xuống đến sân động phải qua hai cây cầu bắc song song bằng gỗ lim (gọi là Bạch Liên Kiều) qua hang sâu, dưới có nước (gọi là Liên trì - ao sen) rồi mới đi vào động. Nhưng hai cầu Bạch Liên đã bị phá, hang sâu gọi là liên trì (ao sen) cũng bị san lấp vào năm Bính Tý (1936) theo lệnh quan Công sứ và Tổng đốc tỉnh Hà Đông lúc bấy giờ.
Theo truyền thuyết thì động Hương Tích là miệng của con rồng lớn
Lối vào động, trên vách đá cao bên trái có khắc năm chữ “Nam thiên đệ nhất động” là của chúa Tĩnh Đô Vương Trịnh Sâm đặt bút đề tháng ba năm Canh Dần (1770) khi nhà Chúa tuần du Sơn Nam. Trong động những khối thạch nhũ to nhỏ được người xưa thổi hồn đặt tên theo hình dáng tự nhiên: Trên trần động, rủ xuống chín nhũ đá hình chín con rồng chầu một khối thạch nhũ dưới nền động, gọi là “cửu long Tranh Châu “, Núi Đụn Gạo, Cây Vàng, Cây Bạc, con trâu, con lợn, ao bèo, buồng tằm, né kén, Núi Cô, Núi Cậu và cả Bầu Sữa Mẹ thánh thót nhỏ như đếm thời gian mà du khách đến đây ai cũng mong mình may mắn có được một giọt lấy khước.
Ngoài những gì thiên nhiên ban tặng cho động hương tích còn có rất nhiều điểm do con người tạo ra như : Chiếc bệ đá hoa sen được điêu khắc rất tinh vi, bốn góc bệ có bốn hình người đóng khố giơ tay lên cao như đang muốn đỡ lấy bệ. Bệ đá này do hai bà phi tần của vương triều Lê - Trịnh công đức, không ghi rõ niên đại chỉ ghi lại quý danh. Còn những pho tượng đồng thờ trên tam bảo động Hương Tích là do gia đình bà Trịnh Thị Ngọc Du hiệu Diệu Hương Viên Kim Chân Nhân công đức. Tượng đúc năm ất dậu (1705) niên hiệu Vĩnh Thịnh năm thứ nhất đời Vua Lê Dụ Tông. Năm Đinh Hợi (1767) niên hiệu Vua Lê Cảnh Hưng năm thứ 28, gia đình quan Tả Đô đốc thái phủ Liêu Quận công Vũ Đình Trác cùng phu nhân Nguyễn Thị Tân công đức đúc pho tượng Phật Bà Quán Thế Âm (nhiều tay ) thờ hàng giữa ở tam bảo động.
Riêng pho tượng Chúa Bà Quan Âm tọa sơn tạc đá xanh, do gia đình ông Nguyễn Huy Nhật tước Nhật Quang Hầu và phu nhân là Nguyễn Thị Huề hiệu Thiện Cơ công đức năm Qúy Sửu (1793) là một pho tượng đá quý, có những đường nét tạc khắc tuyệt đẹp dưới triều nhà Nguyễn Tây Sơn, hiện thờ giữa tam bảo.…
Bên trong động Hương Tích mang vẻ đẹp kỳ ảo của nhũ đá và ánh sáng
Hàng năm, vào dịp lễ hội, Chùa Hương lại đón hàng ngàn lượt du khách về đây du lịch lễ hội và thành tâm chiêm bái. Lễ hội chùa Hương diễn ra từ tháng 1 đến tháng 3 âm lịch và ngày mồng 6 tháng Giêng sẽ là lễ khai hội. Vào dịp này, động Hương Tích luôn không ngớt các Phật tử và du khách tới thắp hương cầu mong bình an, hạnh phúc, mưa thuận gió hòa… Ở Động Hương Tích, tín ngưỡng đạo phật cùng tâm thức nhân dân đã tạo nên lễ hội dân gian có bề dày lịch sử, mang đậm đà bản sắc nền văn hoá nông nghiệp Việt Nam.
Đăng nhận xét