Ai đã một lần đến thủ phủ miền Tây Nam Bộ, mảnh đất từng được xưng tụng bằng mỹ danh Tây Đô mới thấy được cái "thần" của câu ca: Cần Thơ gạo trắng nước trong/Ai đi đến đó, lòng không muốn về...
Cần Thơ hôm nay mang trong mình nét duyên thầm kín đáo của tà áo bà ba làm tôn thêm vẻ duyên dáng của các thiếu nữ vùng châu thổ cùng chút điệu đà của một thành phố đang chuyển mình trong tiến trình đô thị hoá...
Chúng tôi xuống Cần Thơ, thủ phủ miền Tây Nam Bộ - Tây Đô, vang bóng một thời, trong không gian chộn rộn những ngày cuối năm dương lịch. Dường như ở từng con đường, góc phố vẫn còn "rơi rớt" chút dư âm của ngày hội dạ cổ hoài lang mới được tổ chức. Ai cũng nhận ra một điều... đã đến đây rồi, lòng không muốn về!
Là đô thị trẻ nằm ở trung tâm Đồng bằng sông Cửu Long, Cần Thơ soi bóng xuống sóng nước dòng sông huyền thoại, níu chân khách phương xa với rộng dài mênh mông sông nước và điệu hò mượt mà, trầm lắng của những thôn nữ "miệt" châu thổ.
Là đầu mối thông thương với các tỉnh thành trong khu vực, Cần Thơ được thiên nhiên ưu đãi với hệ thống giao thông đường thủy chằng chịt, hình thành nên kiểu buôn bán, giao thương đặc trưng vùng sông nước, ruộng đồng mênh mông thẳng cánh cò bay, cây trái xanh tươi bát ngát. Và hơn thế nữa, nơi đây còn có dòng "đặc sản" các cù lao: cồn Sơn, cồn Khương, cồn Tân Lộc... Không hề khiên cưỡng khi nói những cù lao này đem lại cho khách phương xa nhiều cảm xúc dạt dào trong một môi trường sinh thái thơm ngát phù sa.
Từ bến Ninh Kiều - điểm hợp lưu của hai dòng sông Cần Thơ và Hậu Giang, phóng tầm mắt qua ô cửa chiếc phà giữa mênh mông sóng nước Cửu Long, chợt nhớ lời "dặn dò" của các chiến hữu Sài thành: "Xuống Cần Thơ mà chưa ghé chợ nổi coi như phí hoài cả chuyến đi". Lời giới thiệu nhiệt tình cộng thêm chút lâng lâng từ chén rượu mít thắm tình bằng hữu của ông Lê Thiếu Phương, Phó bí thư Thường trực Quận ủy Ninh Kiều càng thôi thúc tiến vào cuộc khám phá...
Quả đúng như lời "quảng cáo", Cần Thơ có nhiều chợ nổi nức tiếng: Cái Răng, Phong Điền, Phụng Hiệp. Trong đó, Cái Răng là điểm "nhấn" trong nhật ký hành trình của chúng tôi. Từ bến Ninh Kiều đến chợ nổi Cái Răng chỉ khoảng 5km đường chim bay. Nếu chỉ cần "cưỡi ngựa xem hoa", khách phương xa có thể tham quan chợ với 15 phút đi xe bus. Ngoài ra, khách còn nhiều lựa chọn khác như đi taxi hoặc xe ôm. Nếu nặng lòng với "hương đồng gió nội", bạn nên đến tàu du lịch Ninh Kiều và chuẩn bị cho chuyến đi thú vị với vé khứ hồi khoảng 200.000 đồng. Chúng tôi chọn phương án hai - lênh đênh sóng nước ba đào để rồi sau chuyến đi ai cũng thấy hài lòng với sự lựa chọn đáng đồng tiền bát gạo ấy. Bạn cứ hình dung, trong lãng đãng mờ sương và thoang thoảng hương phù sa, Cần Thơ buổi sớm thật nên thơ trong tiếng hò sông Hậu. Tất cả vẽ nên một bức tranh chân chất vùng châu thổ...
Thế rồi sau khoảng "lặng" chừng 40 phút di chuyển giữa mênh mông sóng nước, không gian như vỡ oà bởi tiếng rao hàng lảnh lót từ khắp các ghe thuyền thay lời chào khách phương xa... Đúng như những gì chúng tôi mường tượng, Cái Răng phô diễn diện mạo của mình qua hàng hàng lớp lớp ghe thuyền thúng mủng, sôi động náo nhiệt kẻ mua người bán.
Nét độc đáo dễ thấy trong toàn cảnh không gian chợ chính là cách tiếp thị chào hàng rất độc đáo: mỗi chiếc ghe có một ngọn sào treo những sản vật của vùng sông nước: bắp cải, bí ngô, chuối, chôm chôm, bông lúa... Ngọn sào thay cho pa - nô, áp phích quảng bá, một hình thức giản dị, tiết kiệm nhưng đã làm nên nét văn hóa của chợ nổi. Cứ thế, người ta thoả sức bán mua. Sầm uất là thế nhưng chợ nổi cũng nhanh chóng tan tầm theo con nắng dần lên. Chúng tôi từ giã phiên chợ độc đáo mang theo câu hò mượt mà của một bóng áo bà ba thoắt ẩn thoắt hiện theo nhịp chèo đò:
Hò ơ, hò ơ ớ ơ...
Cần Thơ gạo trắng nước trong
Ai đi đến đó, lòng không muốn về
... Nước phù sa là nước dòng sông Hậu,
Đất lành chim đậu là đất Cần Thơ...
Ông Hồ Văn Hoàng, Phó trưởng ban Tuyên giáo TP. Cần Thơ sôi nổi nói: "Ngoài vẻ đẹp của chợ nổi, Cần Thơ còn mang vẻ đẹp tiềm ẩn của một môi trường sinh thái hoàn hảo qua hệ thống kênh rạch chằng chịt - những mạch máu làm nên mảnh đất tràn trề sức sống".
Quỹ thời gian hạn hẹp không cho phép chúng tôi khám phá hết những kỳ ảo của dải đất từng là nơi quần cư của vương quốc Phù Nam vang bóng một thời. Nơi đây, nền văn hoá óc Eo đã phát triển rực rỡ suốt gần 600 năm sau Công nguyên. Ngày nay, tích xưa còn ghi dấu ở cụm di tích trên dải đất 9 rồng: Long Quang cổ tự, nhà cổ Bình Thủy, chợ cổ Cần Thơ, Long Tuyền cổ miếu...
Chúng tôi về trung tâm thành phố khi đèn đường đã tỏ. Mai về Sài thành phồn hoa đô hội sẽ mang theo bao điều nhung nhớ. Cần Thơ ơi...
Thành phố Cần Thơ nằm ở hữu ngạn sông Hậu, cách TP. Hồ Chí Minh 169km về phía Tây Nam. Đây là thành phố trực thuộc Trung ương, diện tích tự nhiên 1.389,59 km2. Cần Thơ có 8 đơn vị hành chính gồm 4 quận: Ninh Kiều, Bình Thủy, Cái Răng, Ô Môn và 4 huyện: Phong Điền, Cờ Đỏ, Thốt Nốt, Vĩnh Thạnh.
Theo Yume (Du Lịch)
Đăng nhận xét